Tất tần tật cách lập ma trận SWOT hiệu quả: Tạo dựng bước đi cho mọi chiến lược Marketing thành công

SWOT là công cụ hữu hiệu khi chỉ ra điểm mạnh, yếu và cơ hội, thách thức của doanh nghiệp khiến chiến lược Marketing trở lên thành công.

Đối với những người làm Marketing thì chắc chắn không thể bỏ qua SWOT – công cụ giúp bạn thiết lập chiến lược cho doanh nghiệp. Việc xây dựng mô hình SWOT chi tiết sẽ là tiền đề giúp doanh nghiệp biết được điểm mạnh, điểm yếu, thách thức và từ đó tìm ra cơ hội phát triển bền vững.

1. Ma trận SWOT là gì?

SWOT là mô hình (ma trận) phân tích kinh doanh được nhiều doanh nghiệp áp dụng. Nếu doanh nghiệp muốn cải thiện tình hình kinh doanh hay chưa biết đi theo lối nào thì có thể sử dụng mô hình SWOT. 

SWOT viết tắt tiếng Anh của 4 từ: Strengths (điểm mạnh), Weaknesses (điểm yếu), Opportunities (cơ hội) và Threats (nguy cơ). Trong đó, điểm mạnh và điểm yếu được xem là hai yếu tố nội bộ của doanh nghiệp bao gồm danh tiếng, đặc điểm, vị trí địa lý,…và tất cả những điều này bạn đều có thể thay đổi được. Còn đối với cơ hội và rủi ro là những yếu tố bên ngoài bao gồm: nguồn cung cấp, đối thủ cạnh tranh,…và doanh nghiệp của bạn sẽ khó có thể kiểm soát được những yếu tố này.

Mô hình SWOT là công cụ giúp mang lại cái nhìn tổng quan để phân tích được sử dụng trong việc lập kế hoạch kinh doanh, xây dựng chiến lược, đánh giá đối thủ cạnh tranh, tiếp thị, phát triển sản phẩm và dịch vụ…

Mô hình SWOT thường được sử dụng ở bước đầu khi lên kế hoạch marketing cho doanh nghiệp.

2. Thế nào là phân tích SWOT 

Để bắt đầu cho một chiến lược kinh doanh, bạn cần phải phân tích chi tiết 4 yếu tố trong mô hình dưới đây:

2.1. Strengths (điểm mạnh)

Một trong những yếu tố không thể thiếu trong mô hình đó chính là điểm mạnh. Và chắc chắn mỗi doanh nghiệp đều có thế mạnh riêng của mình. 

  • Những điểm mạnh được liệt kê ra như:
  • Những công việc mà doanh nghiệp làm tốt?
  • Những tố chất khiến doanh nghiệp của bạn nổi bật hơn đối thủ?
  • Nguồn lực nội bộ: Kỹ năng nghề nghiệp, kiến thức chuyên môn và mindset của đội ngũ nhân viên.
  • Tài sản hữu hình: Máy móc, thiết bị có tiên tiến hay không?
  • Tài sản vô hình: Kỹ thuật độc quyền, bằng phát minh, sáng chế,…

Ngoài ra, bạn hãy đặt những câu hỏi xoay quanh vấn đề điểm mạnh này như:

  • Khách hàng yêu thích điều gì về doanh nghiệp hay sản phẩm của bạn?
  • Doanh nghiệp bạn làm gì tốt hơn các doanh nghiệp khác cùng ngành?
  • Đặc tính thương hiệu (brand attribute) thu hút nhất của doanh nghiệp bạn là gì?
  • Những ý tưởng bán hàng độc đó mà doanh nghiệp của bạn đang ấp ủ?
  • Những tài nguyên mà đối thủ của bạn không có được?

Nếu như trả lời được tất cả những câu trả lời trên thì bạn sẽ xác định được điểm mạnh cốt lõi của doanh nghiệp. Nhưng bạn cũng nên lưu ý là phải có cái nhìn đa chiều từ vị thế là người trong cuộc, khách hàng cho đến những đối thủ cùng ngành. Bởi nếu nói chất lượng của bạn là điểm mạnh nhưng chất lượng sản phẩm của đối thủ cũng khiến bạn phải dè chừng. Do vậy mà khi gặp khó khăn, bạn cứ nếu ra bởi biết đâu nó lại trở thành điểm mạnh để bạn khai thác.

2.2. Weaknesses (điểm yếu)

Và khi có điểm mạnh thì chắc chắn doanh nghiệp nào cũng có hạn chế nhất định. Chỉ là cách khắc phục điểm yếu được mỗi doanh nghiệp làm như thế nào.

Một số đặc điểm về điểm yếu mà doanh nghiệp của bạn cần phải kể ra có thể nói đến như:

  • Những khía cạnh hay chuyên môn còn hạn chế của doanh nghiệp?
  • Những việc mà đối thủ làm tốt hơn bạn?
  • Nguồn lực còn bị hạn chế ở khâu nào?
  • Những điều khoản trong hợp đồng đã rõ ràng hay chưa?

Hay bạn cũng có thể liệt kê ra những tồn tại theo đánh giá khách quan nhất như:

  • Khách hàng của bạn không thích gì về doanh nghiệp hay sản phẩm của bạn?
  • Những lời nhận xét hay review của khách hàng mà doanh nghiệp của bạn thường nhận được là gì?
  • Giá bán sản phẩm có đắt hơn so với đối thủ cạnh tranh?
  • Các kênh bán hàng mà doanh nghiệp bạn thực hiện có mang lại hiệu quả?
  • Dịch vụ hỗ trợ đã đáp ứng được những nhu cầu của khách hàng hay chưa?
  • Đưa ra lý do khiến khách hàng phải lựa chọn sản phẩm của bạn mà không phải của đối thủ?
  • Các chiến dịch quảng cáo đã chạm đến được tập khách hàng tiềm năng hay chưa?

Đối với điểm yếu, bạn cũng phải có cái nhìn khách quan và chủ quan. Hơn nữa bạn cũng phải đối diện với điểm yếu để nhanh chóng đưa ra những hướng giải quyết đúng đắn và kịp thời.

2.3. Opportunities (cơ hội)

Yếu tố tiếp theo trong mô hình SWOT đó chính là cơ hội. Ở mục này, bạn hãy liệt kê những cơ hội như “Đội ngũ marketing của công ty có đang tạo ra một khối lượng khách hàng tiềm năng hay chưa?” hay “Ý tưởng kinh doanh của bạn có đang bắt kịp với xu hướng hay không?”. 

Bên cạnh đó, để có thể tìm ra cơ hội kinh doanh cho doanh nghiệp, bạn nên tận dụng những nhân tố như: xu hướng trong công nghệ và thị trường, sự thay đổi chính sách của chính phủ, sự thay đổi về mặt xã hội, dân số, lối sống, xu hướng khách hàng,…

Ngoài ra, để biết được doanh nghiệp có những cơ hội nào thì các bạn cần phải có sự giải đáp những câu hỏi như:

  • Cách cải thiện quy trình bán hàng, hỗ trợ khách hàng hiện có cũng như khách hàng tiềm năng?
  • Các kiểu truyền thông thúc đẩy quá trình mua hàng của khách hàng?
  • Phương pháp tối ưu quy trình làm việc hiệu quả?
  • Những công cụ hay tài nguyên tiềm năng nào mà doanh nghiệp chưa khai thác hết?
  • Các kênh quảng cáo hay chiến dịch quảng bá hình ảnh tiềm năng mà doanh nghiệp chưa thực hiện?

Tóm lại để có thể tìm ra cơ hội thì bạn cần phải xem xét lại điểm mạnh cũng như điểm yếu. Bởi từ điểm mạnh bạn sẽ có ý tưởng khai thác thêm nhiều cơ hội cũng như từ điểm yếu thì bạn nên khắc phục và biến nó thành cơ hội như thế nào?

2.4. Threats (thách thức)

Tất nhiên trong kinh doanh thì chúng ta không thể tránh được những rủi ro và đây chính là một trong các yếu tố chiếm một vị trí trong mô hình SWOT. Những thách thức mà doanh nghiệp phải đối mặt có thể được kể đến như: đối thủ cạnh tranh mới nổi, chính sách pháp luật thay đổi hay xu hướng của người tiêu dùng khiến doanh nghiệp cần phải nhanh trí đưa ra những thay đổi cho phù hợp với thời thế.

Nói chung là chúng ta có thể phát huy những điểm mạnh và cơ hội để khiến những điểm yếu và thách thức không còn là gánh nặng của doanh nghiệp.

3. Ma trận SWOT dùng để làm gì?

Ma trận SWOT sẽ giúp mang lại cái nhìn sâu sắc nhất về tổ chức, doanh nghiệp cũng như cụ thể từng dự án. Ma trận SWOT giúp người lập kế hoạch hay chủ doanh nghiệp có được cái nhìn tổng quan, toàn diện trong việc ra quyết định hoạch định chiến lược và thiết lập kế hoạch. 

Vậy nên mô hình này được áp dụng trong nhiều công đoạn như phát triển chiến lược, phát triển thị trường, lập kế hoạch cho công ty, đánh giá hiệu quả hoạt động, ra quyết định, đánh giá đối thủ cạnh tranh, kế hoạch phát triển sản phẩm mới chiến lược mở rộng thị trường,…

4. Áp dụng ma trận SWOT vào marketing

Ma trận SWOT được trình bày dưới dạng bảng 2 hàng 2 cột, chia làm 4 phần: Strengths, Weaknesses, Opportunities, Threats. 

Lưu ý rằng cần xác định rõ ràng chủ đề phân tích bởi SWOT đánh giá triển vọng của một vấn đề hay một chủ thể nào đó, bao gồm các tiêu chí như vị trí, độ tin cậy của công ty, sản phẩm/nhãn hiệu, đề xuất, chiến lược thâm nhập thị trường mới hay bao phủ thị trường,…

Mô hình SWOT thường đưa ra 4 chiến lược cơ bản:

  • Thứ nhất là SO (Strengths – Opportunities): các chiến lược dựa trên ưu thế của công ty để tận dụng các cơ hội thị trường.
  • Thứ hai là WO (Weaks – Opportunities): các chiến lược dựa trên khả năng vượt qua các yếu điểm của công ty để tận dụng cơ hội thị trường.
  • Thứ ba là ST (Strengths – Threats): các chiến lược dựa trên ưu thế của của công ty để tránh các nguy cơ của thị trường.
  • Thứ tư là WT (Weaks – Threats): các chiến lược dựa trên khả năng vượt qua hoặc hạn chế tối đa các yếu điểm của công ty để tránh các nguy cơ của thị trường.

Trong marketing, trước khi đưa ra chiến lược marketing thì các marketer áp dụng ma trận SWOT để phân tích các yếu tố bên trong và bên ngoài công ty. Trong đó yếu tố bên trong thường là: mục tiêu công ty, định hướng công ty, cơ cấu tổ chức, nhân lực chủ chốt, khả năng sử dụng các nguồn lực, hiệu quả hoạt động, năng lực hoạt động, danh tiếng thương hiệu, thị phần, tài chính,…Các yếu tố bên ngoài cần thiết là môi trường vi mô và môi trường vĩ mô.

5. Phân tích ma trận SWOT hãng hàng không Vietjet Air

5.1. Strengths – Điểm mạnh

Điểm mạnh đầu tiên của hãng là mức tăng trưởng thị phần tăng nhanh chóng qua từng năm. Mới đi vào hoạt động từ cuối năm 2011 nhưng Vietjet đã trở thành hãng hàng không nội địa lớn nhất với 42% thị phần. Công ty báo lãi liên tục kể từ năm 2013.

Điểm mạnh thứ hai của Vietjet là có chi phí trên mỗi đơn vị sản phẩm thuộc hàng thấp nhất châu Á cũng như thế giới. Doanh thu từ các dịch vụ trên chuyến bay là nhân tố quan trọng tạo nên thành công của hầu hết các hãng hàng không giá rẻ. Đây cũng là yếu tố đã giúp hãng nhanh chóng có lợi nhuận. Hiện nguồn này đóng góp hơn 23% doanh thu của hãng.

Thương hiệu Vietjet nổi tiếng bởi các hoạt động marketing mạnh mẽ, đánh đúng tâm lý của khách hàng mục tiêu. Hệ thống phân phối phủ sóng toàn quốc cũng là một trong những điểm mạnh không thể bỏ qua của hãng hàng không giá rẻ này.

5.2. Weaknesses – Điểm yếu

Điểm yếu của hãng là chưa có được đối tác liên doanh. Tiếp theo là phải cạnh tranh ở các thị trường đã có hãng máy bay nổi tiếng, đặc biệt là tại thị trường Thái Lan.

Điểm yếu tiếp theo phải kể đến là phần lớn lợi nhuận của VietJet đến từ hoạt động bán và thuê lại, tuy nhiên về dài hạn hãng sẽ phải trả chi phí cao hơn so với giá thuê trung bình khi tuổi thọ máy bay tăng lên.

5.3. Opportunities – Cơ hội

Việt Nam đang nổi lên là 1 điểm du lịch được ưa thích, số lượt khách đã vượt mốc 10 triệu trong năm 2016, tăng 26% so với năm trước. 9 tháng đầu năm 2017 con số tiếp tục tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Xu hướng này được dự báo sẽ còn kéo dài. Đây chính là cơ hội cho VietJet.

Hiện hãng đã có các chuyến bay đều đặn tới Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia, Thái Lan và Campuchia. Trung Quốc nơi mà nguồn khách du lịch lớn nhất và tăng trưởng nhanh nhất. Hơn nữa, vị trí địa lý của Việt Nam rất thuận tiện cho việc vận chuyển hành khách đi từ Đông Nam Á tới Đông Bắc Á.

Việt Nam là nước đang phát triển nên hãng hàng không giá rẻ được nhiều người lựa chọn và sẵn sàng chi trả hơn. Đây cũng là lý do vì sao thị phần của Vietjet Air-kẻ đến sau nhưng lại đang vượt mặt Vietnam Airline trong 2 năm trở lại đây.

5.4. Threats – Thách thức

Môi trường cạnh tranh ngành hàng không ngày càng khốc liệt. Các hãng hàng không hàng đầu Đông Nam Á như AirAsia và Lion đều đang có kế hoạch lập liên doanh ở Việt Nam. Nhiều hãng hàng không giá rẻ cũng nhìn được tiềm năng thị trường nước ta và lăm le nhảy vào.

Sau khi tăng trưởng 20% – 30% trong giai đoạn 2012 – 2016, thị trường hàng không Việt Nam sẽ giảm tốc. Tăng trưởng ở thị trường nội địa suy giảm sẽ tạo ra sức ép buộc VietJet phải dựa nhiều hơn vào thị trường quốc tế vốn không hề dễ dàng. Bên cạnh đó tăng trưởng nhu cầu du lịch nội địa hiện cao gấp 4-5 lần tăng trưởng GDP là 1 tỷ lệ không bền vững.

Tình trạng quá tải sân bay gây khó khăn khi muốn mở thêm nhiều chặng bay cũng như tần suất bay.

Bảng ma trận SWOT của Vietjet Air

Strengths (Điểm mạnh): Tăng trưởng thị phần tăng nhanh chóng qua từng năm.– Chi phí trên mỗi đơn vị sản phẩm thuộc hàng thấp nhất châu Á cũng như thế giới.– Thương hiệu Vietjet nổi tiếng bởi các hoạt động marketing mạnh mẽ– Hệ thống phân phối phủ sóng toàn quốc. Weaknesses (Điểm yếu): Chưa có được đối tác liên doanh.– Phải cạnh tranh ở các thị trường đã có hãng máy bay nổi tiếng, đặc biệt là tại thị trường Thái Lan.– Phần lớn lợi nhuận của VietJet đến từ hoạt động bán và thuê lại, về dài hạn hãng sẽ phải trả chi phí cao hơn so với giá thuê trung bình khi tuổi thọ máy bay tăng lên.
Opportunities (Cơ hội): Việt Nam đang nổi lên là 1 điểm du lịch được ưa thích– Hiện hãng đã có các chuyến bay đều đặn tới Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia, Thái Lan và Campuchia. Trung Quốc nơi mà nguồn khách du lịch lớn nhất và tăng trưởng nhanh nhất.– Vị trí địa lý của Việt Nam rất thuận tiện cho việc vận chuyển hành khách đi từ Đông Nam Á tới Đông Bắc Á.– Việt Nam là nước đang phát triển nên hãng hàng không giá rẻ được nhiều người lựa chọn và sẵn sàng chi trả hơn.

Threats (Thách thức): Môi trường cạnh tranh ngành hàng không ngày càng khốc liệt.– Sau khi tăng trưởng 20% – 30% trong giai đoạn 2012 – 2016, thị trường hàng không Việt Nam sẽ giảm tốc.– Tình trạng quá tải sân bay gây khó khăn khi muốn mở thêm nhiều chặng bay cũng như tần suất bay.

 


Tổng kết

Qua việc chỉ ra điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức hiện tại và tương lai, ma trận SWOT thực sự hữu ích cho các doanh nghiệp trước khi đưa ra bất kì chiến lược kinh doanh hay marketing. 

Bước làm ma trận SWOT không khó nhưng đòi hỏi cần sự đầy đủ và chính xác về măt thông tin, nếu bỏ qua việc làm ma trận SWOT thì hẳn việc biến mục tiêu của doanh nghiệp thành công sẽ dễ dàng gặp rủi ro lớn hơn rất nhiều bởi chưa xác định rõ đâu là cơ hội, thách thức hay điểm yếu của doanh nghiệp.

Nội dung: Ngọc Mai, FPT Skillking

Bài viết cùng danh mục

No Img