Những bí mật quản lý tài chính & đầu tư từ nghiên cứu harvard: bí quyết dành cho người thành công
Bạn muốn làm chủ tài chính và đầu tư thông minh nhưng chưa tìm ra phương pháp hiệu quả? Dựa trên những nghiên cứu sâu sắc từ Đại học Harvard, bài viết này sẽ hé lộ cho bạn các chiến lược quản lý tài chính và đầu tư thông minh, giúp tối ưu hóa thu nhập và gia tăng tài sản. Khám phá ngay những bí quyết khoa học, thực tiễn và dễ áp dụng để xây dựng nền tảng tài chính vững chắc cho tương lai của bạn!
1. VỀ CHI TIÊU
Bài học số 1: Khi mua hàng, tránh mua hàng cho tương lai chỉ bằng cảm giác nhu cầu hiện tại.
Đây là lỗi “thiên lệch dự đoán” (projetion bias), chỉ về hiện tượng người tiêu dùng thường đánh giá sai nhu cầu của mình về một món hàng trong tương lai.
Ví dụ điển hình là khi đi chợ cho cả tuần, nếu người mua hàng đang đói, họ sẽ mua vượt mức cần thiết lượng thức ăn cho tuần tới; hoặc khi đang thích hát karaoke, người ta sắm cả dàn karaoke về nhà để rồi sau này nhận ra mình không có thời gian/ không thích hát karaoke đến như thế.
Bài học rút ra: Lần tới khi quyết định mua, đặc biệt là vật phẩm có giá trị lớn, bạn nên dành thời gian để đánh giá đúng hơn nhu cầu của mình, tránh việc mua bằng cảm giác nhất thời. (Đặc biệt đúng cho những dịp như Black Friday nhé!)
Bài học số 2: Tránh chi tiêu mất kiểm soát bằng các công cụ ràng buộc.
Nếu bạn thuộc tuýp người khó kiểm soát bản thân, thể hiện qua việc hay trì hoãn công việc, hay lên kế hoạch đi gym nhưng không đi, thì bạn đang mắc vấn đề “lệch hiện tại” (present bias).
Đây là hiện tượng người ta hay chấp nhận hy sinh những lợi ích lớn ở tương lai (như hoàn thành công việc hoặc đi gym) để được những lợi ích nhỏ hơn nhiều ở hiện. Điều này có thể không phải là lỗi của bạn – các nhà khoa học đang dần khám phá ra phần nào của bộ não quyết định chúng ta sống kỉ luật được tới đâu.
Tuy nhiên, không những ảnh hưởng đến công việc hay sức khoẻ, lỗi này còn rất ảnh hưởng đến tài chính cá nhân. Thiếu kỉ luật, người ta hay bỏ đi lợi ích lâu dài của việc tiết kiệm để thoả mãn khao khát chi tiêu ngay bây giờ.
Bài học rút ra:
Giải quyết vấn đề trên không hề dễ (hãy thử nghĩ đến việc động viên một đứa lười tập thể dục đi tập khó cỡ nào). Nếu là nạn nhân của vấn đề này, chỉ những lời khuyên nhủ và động viên có lẽ không đủ. Bạn còn cần có các công cụ ràng buộc (commitment devices) nữa.
Các công cụ ràng buộc này phải tuỳ người và tuỳ hoàn cảnh, nhưng có thể là:
Bài học số 3: Đừng bao giờ tiêu thụ chỉ vì “lỡ mua rồi”.
Giả sử bạn bỏ 2 triệu ra mua vé đi liveshow, nhưng ngay đêm hôm trước liveshow lại nhận ra rằng ngày hôm sau lại có một bài thi cực kỳ quan trọng, đến mức bạn chỉ thà ở nhà học bài mà thôi.
Tuy nhiên, sau khi nghĩ về chuyện bỏ phí 2 triệu đã dùng để mua vé, bạn lại quyết định đi xem liveshow (lựa chọn ít mong muốn hơn) và thi rất tệ vào ngày hôm sau.
Đây là ví dụ tiêu biểu của “nguỵ biện chi phí chìm” (sunk cost fallacy). Tấm vé đã lỡ mua trong ví dụ trên là tiền không thể lấy lại, nhưng vì sợ cảm giác phí phạm bạn lại đưa ra một quyết định mà bạn ít mong muốn hơn.
Lỗi này diễn ra ở nhiều hoàn cảnh khác: cố ăn thật nhiều chỉ vì đã quá tay đặt hàng, đâm theo một khoá học vô bổ chỉ vì đã lỡ đóng tiền, hoặc theo đuổi một dự án thất bại vì đã lỡ dành nhiều thời gian công sức.
Bài học rút ra: Lần tiếp theo bạn nên nhớ: tiền đã chi, thời gian đã trôi qua, công sức đã bỏ ra không lấy lại được, nên mình hãy quyết định dựa vào điều tốt nhất đi về phía trước, chứ đừng vướng bận những thứ đã lỡ ở phía sau.
Bài học số 4: Thường xuyên thống kê chi tiêu để tránh chi quá mức
Đối với người trẻ lần đầu tiên có thu nhập và chi tiêu bằng thẻ tín dụng, đi kèm với tiện lợi của việc thanh toán bằng thẻ là một nhược điểm: chúng ta không nắm rõ lắm mình đã chi bao nhiêu.
Nếu khi dùng tiền mặt hoặc thẻ ghi nợ, chúng ta chỉ cần nhìn vào ví (hoặc tra vấn số dư ATM) để biết số tiền vừa rút đã vơi đi bao nhiêu, khi dùng thẻ tín dụng, các mục đã chi không “hiện ra ngay trước mắt” mà chỉ được ghi lại trong lịch sử thanh toán của thẻ. Điều này khiến nhiều người không kiểm soát được chi tiêu của mình.
Bài học rút ra: Để tránh tình trạng trên, các bạn nên thường xuyên thống kê chi tiêu (có thể là mỗi tuần), và hiện nay cũng đã có nhiều ứng dụng điện thoại giúp công việc này ngày càng dễ hơn. Nếu không đủ kiên nhẫn để dùng app, tốt hơn bạn nên chi tiêu bằng tiền mặt để dễ kiểm soát hơn.
Bài học số 5: Tránh đóng “phí lơ đãng”
Có nhiều lúc chúng ta phải tốn nhiều tiền hơn cần thiết chỉ bởi vì chúng ta đã không để ý đến một thông tin gì đấy, chẳng hạn như đóng tiền phạt vì đăng ký lớp học trễ, nộp lãi vì quên trả tiền thẻ tín dụng, hoặc khi bỏ qua một cơ hội đầu tư tốt vì không muốn nghĩ đến việc đầu tư (xem thêm ở dưới).
Vấn đề tưởng là nhỏ, nhưng cuộc đời còn có một vòng luẩn quẩn: những người càng bận bịu bươn chải lại càng ít có tâm trí để quan tâm tới những cơ hội tiết kiệm tốt cho họ. Họ không thiếu thời gian hoặc tiền bạc – họ chỉ thiếu tâm trí mà thôi.
Bài học rút ra: Lời giải cho bài toán trên không đơn giản chỉ là lời khuyên “bạn nên để ý hơn”, mà bài học bạn nên nhớ đó là phải là sử dụng những công cụ để hỗ trợ việc để ý hoặc nhớ một cách hiệu quả hơn. Các hoá đơn, chi phí cần thanh toán nên được đặt chế độ thanh toán tự động hoặc dùng stickies hay ứng dụng để nhắc nhở.
2. VỀ TIẾT KIỆM/ ĐẦU TƯ
Bài học số 6: Kinh tế nhập môn: Khi vay mượn hoặc đầu tư, nghĩ về lãi suất thực
Giả sử bạn gửi tiết kiệm với lãi suất 7%/năm, trong khi lạm phát trong năm đó là 4%. Điều đó nghĩa là số tiền của bạn sẽ tăng lên 7% một năm, nhưng vật giá cũng đắt hơn 4%. Khi nói về sức mua của đồng tiền, số tài sản của bạn trên thực tế chỉ tăng 7%-4% = 3% mỗi năm. Và đây là con số bạn nên nghĩ đến khi quyết định đầu tư hay vay mượn, thay vì nghĩ đến con số 7%.
Bài học rút ra: Một phần không nhỏ dân số, ngay cả ở các nước phát triển, chỉ nghĩ về lãi suất danh nghĩa (7%) thay vì lãi suất thực (3%). Giả sử như các bạn cho bạn bè mượn tiền không lấy lãi, nhưng lạm phát lên đến 5% mỗi năm. Điều đó có nghĩa là trên thực tế, các bạn đã bị mất 5% số tiền cho mượn rồi đấy!
Bài học số 7: Chi phí cơ hội: không làm gì không có nghĩa là không mất
Giả sử bạn có một số tiền X trong tay, và có thể vì quá sợ rủi ro, bạn chỉ giấu tiền dưới gối. Và bạn nghĩ: “nhờ không làm gì, mình cũng không tốn gì cả.” Thực ra, có một khái niệm kinh tế gọi là “chi phí cơ hội” mà, nếu biết, có thể áp dụng được trong nhiều mảng của cuộc sống. Khi lựa chọn một hành động gì, chi phí cơ hội là những lợi ích đạt được từ lựa chọn tốt nhất mà bạn đã không chọn.
Ví dụ như, nếu sau khi tốt nghiệp 12 và bạn quyết định ở nhà, thì không ai đến thu phí gì từ bạn cả. Tuy nhiên, chi phí cơ hội của bạn là phần lợi ích mà bạn đã có thể có nếu bạn đã đi học đại học.
Bài học rút ra:
Trong mảng đầu tư tài chính cá nhân cũng thế: không làm gì cũng là một dạng mất. Bạn mất đi cơ hội nhận được sinh lời từ các kênh đầu tư khác nhau. Tất nhiên đầu tư sẽ có rủi ro, và tuỳ mức sợ rủi ro như thế nào bạn sẽ quyết định xem bao nhiêu phần trăm tài sản sẽ đặt vào các kênh rủi ro (như bất động sản hoặc cổ phiếu), và bao nhiêu phần trăm sẽ vào các kênh an toàn hơn (giữ tiền mặt, gửi tiết kiệm).
Tuy nhiên, nếu bạn bỏ qua hẳn việc đầu tư, bạn có thể đang phải trả một chi phí cơ hội khá cao đấy.
Bài học số 8: “Đừng đặt trứng vào cùng một rổ”
Ông bà ta đã nói “đừng đặt toàn bộ trứng vào cùng một rổ”, hàm ý nói đừng đặt toàn bộ tài sản của bạn vào cùng một kênh đầu tư (vì nhỡ may rổ trứng rơi thì sẽ mất hết toàn bộ trứng). Đây cũng là khái niệm “diversification” – hay đa dạng hoá danh mục đầu tư, vốn là một trong những nguyên lý cơ bản nhất của ngành tài chính.
Giả sử bạn đã nghe lời khuyên từ mục số 7 và bắt đầu tập tành đầu tư.
Bài học rút ra:
Bạn nên đầu tư vào nhiều kênh khác nhau. Và không những về số lượng, mà còn về cả độ khác nhau giữa các loại tài sản nữa (correlation).
Nói nôm na, đầu tư vào hai công ty khá giống nhau khá nguy hiểm, vì một công ty đi xuống nghĩa là công ty còn lại nhiều khả năng cũng sẽ hoàn vốn thấp; trong khi đầu tư vào hai công ty khá không liên quan đến nhau sẽ tốt hơn cho mục đích bảo vệ số tiền đầu tư của bạn.
Bài học số 9: Tránh xa bong bóng
Bong bóng kinh tế rất nguy hiểm, vì trước khi bong bóng vỡ, giá của hạng mục đầu tư tăng rất nhanh, tạo ra lãi lớn cho những người đầu tư. Bong bóng có thể xảy ra ở khắp nơi: thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán, hoặc thậm chí các vật phẩm thông thường như gia súc hay vật nuôi.
Bong bóng được định nghĩa là khi giá cả của một tài sản – như nhà cửa hay cổ phiếu – tăng vượt và tách rời khỏi giá trị thực của tài sản đó, với phần lớn phần tăng giá là do đầu cơ (những người đầu tư vào một thứ chỉ vì họ nghĩ giá của nó sẽ tăng lên).
Chẳng hạn như một ngôi nhà mặt biển có thể tạo ra tổng thu nhập 10 tỉ đồng trong suốt phần đời của ngôi nhà. Tuy nhiên, ngôi nhà đó có thể được bán với giá gấp đôi chỉ vì một số người muốn mua ngôi nhà đó với giá cao hơn, nhằm mục đích bán lại với giá cao hơn nữa.
Khi bong bóng vỡ ra, người cuối cùng giữ sẽ phải chịu hậu quả vì đã mua với giá cao, trong khi giá trị thực lại thấp hơn nhiều.
Bài học rút ra:
Vật phẩm mà giá trị càng khó được định giá sẽ càng dễ tồn tại bong bóng. Và khi người ta càng ít hiểu về tài chính, thì họ càng thấy bong bóng như là cơ hội kiếm tiền nhanh và dễ dàng. Nhưng đừng quên rủi ro rất lớn rằng chiếc bong bóng ấy có thể vỡ ra khi bạn đang là người cầm nó trong tay.
Nếu bạn thích cá cược và lướt sóng, bạn có thể chơi đùa với bong bóng. Nếu bạn là một người muốn đầu tư tiết kiệm bình thường, hãy tránh xa những cơ hội mà bạn nghi là bong bóng. Cụ thể hơn, bạn nên tự hỏi: giá trị của tài sản này đến từ đâu, và mức giá hiện tại của tài sản có xứng đáng với giá trị đó hay không.
Bài học số 10: Tránh lỗi “đâm lao thì phải theo lao” trong đầu tư
Cuối cùng, quay trở lại “nguỵ biện chi phí chìm” mà chúng ta đã nhắc đến ở mục 3, nhưng bây giờ áp dụng vào mảng đầu tư. Giả sử bạn đầu tư vào một cổ phiếu, và giá cổ phiếu đang xuống rất mạnh. Vì sợ chốt lỗ, bạn quyết định giữ cổ phiếu ấy dù tình hình rất khó sẽ khả quan hơn.
Về khía cạnh tâm lý, con người hay hay sợ thua lỗ, đồng thời mang tư tưởng “đâm lao thì phải theo lao”, nghĩa là đã lỡ đầu tư vào rồi thì phải theo đến cùng. Chính tâm lý này khiến người đầu tư đưa ra các quyết định ngược lại với lý trí, dẫn đến hậu quả là những phần lỗ đã có thể tránh được.
Bài học rút ra: Trong đầu tư, biết dừng đúng lúc cũng là một chiến thuật khôn ngoan.
Tổng kết
Bài viết đã chia sẻ 10 bài học quan trọng từ nghiên cứu của Đại học Harvard về quản lý tài chính và đầu tư thông minh. Các bài học này được chia thành hai phần chính: chi tiêu và tiết kiệm/đầu tư. Về chi tiêu, bạn cần tránh mua sắm theo cảm tính, sử dụng công cụ ràng buộc để kiểm soát thói quen, tránh rơi vào "ngụy biện chi phí chìm", thường xuyên thống kê chi tiêu và tránh các khoản phí lơ đãng. Về tiết kiệm và đầu tư, bạn nên tính lãi suất thực tế, hiểu về chi phí cơ hội, đa dạng hóa danh mục đầu tư, tránh xa bong bóng đầu tư và biết dừng đúng lúc. Áp dụng những chiến lược này sẽ giúp bạn tối ưu hóa thu nhập, tiết kiệm và đầu tư an toàn, xây dựng nền tảng tài chính vững chắc cho tương lai.
Nội dung: Tổng kết và biên soạn